Còn có tên gọi là chùa Cả Lâu hoặc chùa ông Cả, tọa lạc ấp Vĩnh Trung, xã Vĩnh Trạch, huyện Thoại Sơn, An Giang có diện tích khuôn viên 1.760 m2, diện tích Chánh điện 108 m2; do Ni trưởng Thích Nữ Như Trí (Châu Thị Diệu Xuân) trụ trì. Là một ngôi chùa có kiến trúc đặc sắc ở địa phương.
Chùa do ông Nguyễn Quý Lâu (Cả Lâu) khi xưa là Hương cả trong làng xây dựng vào năm Giáp dần (1903).
Thời gian từ 1945 đến 1970, chùa do Thích Tâm Ấn quản lý và sửa chữa. Đến năm 1980, Hòa thượng Giác Linh về trụ trì. Sau khi Hòa thượng tịch (1988), Ni trưởng Thích Nữ Như Trí (Châu Thị Diệu Xuân) trụ trì đến nay. Năm 1989, chùa được tu bổ khang trang hơn.
Chùa Vĩnh Hòa được kiến trúc bởi những nghệ nhân người Hoa và người Huế, có dạng hình vuông chữ Quốc. Mặt trước chùa là mái tứ cấp, lợp ngói ống; 6 góc có 6 lân; trên đỉnh chạm hình tượng Lưỡng long tranh châu, Tứ linh, Bát tiên. Trước kia chùa còn có tên gọi là Phước Long Tự, còn theo cách gọi quen thuộc của người dân địa phương thì họ gọi là Chùa Ông Tư Cả. Theo lời kể của các cụ cao niên trong vùng: ngôi Chùa được xây dựng vào năm 1911 do ông Nguyễn Quý Lâu là hương Cả trong làng lúc bấy giờ đứng ra xây cất. Ban đầu, Chùa xây dựng bằng cột gỗ, vách xây tường, mái lợp ngói đại tiểu. Đến năm 1989, Ni trưởng Thích Nữ Như Trí về trụ trì Chùa và cho tu sửa lại một số hạng mục đã bị xuống cấp: thay mái ngói, lót lại gạch nền… nhưng không phải vì thế mà chùa mất đi vẻ cổ kính ban đầu. Hiện nay, chùa vẫn còn lưu giữ lại nhiều bức tranh “về chim, hoa rất tinh tế và tao nhã” được vẽ trên tường với chất liệu làm từ thuốc nước đạt đến đỉnh cao của nghệ thuật trong rất đẹp và đáng được tôn sùng. Chùa Vĩnh Hòa tọa lạc trên một khu đất rộng, xung quanh có nhiều cây cảnh. Cổng chùa cất theo kiểu hai mái, mái lợp ngói đại tiểu và có hàng rào bảo vệ, sân chùa được tráng ximang, hai bên sân chùa có đặt tượng Quan Âm Các và tượng Di Lặc. Chùa cất theo kiểu kiến trúc cổ lầu tứ cấp, mái lợp ngói đại tiểu. Trên nóc cổ lầu được trang trí lưỡng long tranh châu và dưới có gắn hình cung điện bằng gốm sứ đều có giá trị mỹ thuật cao. Cuối đường chân tượng của 3 cấp mái có gắn hình con Lân bằng gốm sứ và xung quanh thành cổ lầu có các bức tranh được vẽ bằng thuốc nước họa tiết cây cảnh, hoa, lá, sông suối.... Chùa có hai gian gồm: chính điện và hậu tổ, chính điện Chùa cất theo kiểu ba gian, hai chái, các cột được làm bằng gỗ tròn và gỗ vuông, đặt biệt chính điện có tứ trụ được chạm khắc rồng quấn cột, Bát Tiên rất tinh xảo và có hoành phi viết chữ hán sơn son thiếp vàng được làm bằng gỗ. Bên cạnh đó, còn có các bao lam thành vọng được chạm khắc họa tiết lưỡng Long tranh châu, hoa, lá và sen dây làm bằng gỗ và được bố trí ngay tại các bàn thờ: Phật Thích Ca, Quan Thế Âm Bồ Tát và Hộ Pháp. Bên trong chính điện phía thành cổ lầu còn lưu giữ lại nguyên vẹn tất cả các bức tranh bằng thuốc nước với họa tiết hoa, lá, cổ tích...
Với truyền thống “uống nước nhớ nguồn – Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, nhân dân trong vùng đã ra sức bảo quản và tu bổ ngôi Chùa và hàng năm đều tổ chức cúng lệ với sự tham gia đông đảo của nhân dân trong và ngoài huyện đến tham dự.
Các ngày lễ cúng trong năm như:
+ Các ngày rằm tháng giêng, tháng 7 và tháng 10.
+ Ngày 28/01AL: Lễ giỗ Ông Cả Hơn (Cha của ông Cả Lâu).
+ Ngày 30/04AL: Lễ giỗ ông Cả Lâu.
Chùa Vĩnh Hòa có thể nói là nơi yên tĩnh lý tưởng cho các bậc Sư cô về tu hành, truyền dạy đạo lý cho con người biết làm điều tốt cho xã hội. Chùa có giá trị mỹ thuật cao trong một thời đại, để bảo tồn và phát huy giá trị di tích của Chùa, nhân dân và chính quyền địa phương mong muốn ngôi Chùa này được Nhà nước công nhận là Di tích nghệ thuật cấp Tỉnh./.